• Phone: 024-38584995
  • E-mail: fes@hus.edu.vn
Thứ bảy, 7 Tháng mười hai, 2024

Bộ môn Khoa học và Công nghệ thực phẩm

1. Giới thiệu chung

Khoa học và Công nghệ thực phẩm là một lĩnh vực liên ngành, có tính ứng dụng cao, đòi hỏi sự kết hợp các kiến thức về hóa học, sinh học, vật lý, môi trường, công nghệ trồng trọt, chăn nuôi và chế biến lương thực, thực phẩm… Kiến thức về Khoa học và Công nghệ thực phẩm liên quan từ nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến người tiêu dùng. Trong quá trình học sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên ngành về khoa học và công nghệ thực phẩm, như: nguồn gốc các chất và các nhóm chất chính có trong thực phẩm; cơ sở khoa học của quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý, kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, các kiến thức về tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế; phân tích kiểm nghiệm thực phẩm; đánh giá cảm quan về thực phẩm; kỹ thuật ẩm thực và phương pháp xây dựng thực đơn; cấu trúc thực phẩm; phụ gia thực phẩm; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm biến đổi gen… Bên cạnh đó sinh viên còn được trang bị một khối lượng lớn kiến thức như: kiến thức về phòng và giảm thiểu sự tích lũy chất độc trong thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến sử dụng nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu; công nghệ lạnh thực phẩm; công nghệ chế biến các sản phẩm lên men (rượu, bia, nước mắm, sữa chua, nước giải khát, nước chấm, gia vị…); công nghệ chế biến rau quả; công nghệ chế biến thịt, trứng, sữa; công nghệ chế biến thủy sản; công nghệ chế biến mía, đường, bánh kẹo; công nghệ chế biến đồ hộp; công nghệ chế biến dầu mỡ; công nghệ sản xuất tinh dầu và hương liệu; công nghệ chế biến chè, cà phê và ca cao; công nghệ khai thác các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học để ứng dụng làm phụ gia thực phẩm; công nghệ chế biến lương thực và các sản phẩm từ tinh bột; công nghệ bảo quản nông sản và thủy sản…

Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự phát triển rất mạnh về khoa học kỹ thuật, đặc biệt sự phát triển rất nhiều hoạt chất, dược liệu, hóa chất đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn lương thực, sức khỏe con người. Xu hướng tìm kiếm, nghiên cứu phát triển các nguồn thực phẩm, lương thực có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường là tất yếu. Hơn mọi sản phẩm, sản phẩm từ các cây trồng vật nuôi rõ nguồn gốc, thân thiện với môi trường sinh thái sẽ có niềm tin về chất lượng hơn đối với người tiêu dùng.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học và Công nghệ thực phẩm sẽ đạt trình độ chuyên môn cần thiết để hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, gồm đảm bảo an toàn chất lượng nguồn cung thực phẩm (nguyên liệu), thu hoạch và chế biến thực phẩm nhằm giải quyết các vấn đề liên quan giữa môi trường và an toàn thực phẩm; giữa thu hoạch, chế biến và sử dụng thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch hơn, đảm bảo sức khỏe con người và phục vụ xuất khẩu. Chương trình đào tạo sẽ cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho các cơ quan nghiên cứu và quản lý về thực phẩm; chăm sóc, thu hoạch và chế biến thực phẩm, độc học và an toàn thực phẩm ở các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước. Đây là đội ngũ cán bộ có đủ sức tiếp thu, vận dụng, phát huy các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm, công nghệ thu hoạch và chế biến thực phẩm phục vụ cho sự phát triển của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, bảo quản, chế biến thực phẩm, đánh giá rủi ro độc chất liên quan giữa môi trường và thực phẩm, giữa thực phẩm và sức khỏe con người, đáp ứng nguồn nhân lực giải quyết các vấn đề liên quan trong nước và hợp tác quốc tế…

Bộ môn Khoa học và Công nghệ thực phẩm được thành lập theo Quyết định số 695/QĐ-ĐHKHTN ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi thành lập, Bộ môn kiện toàn danh sách nhân sự gồm 06 cán bộ PGS.TS. Ngô Thị Tường Châu, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, PGS.TS. Trần Văn Quy, TS. Nguyễn Thị Phương Mai, TS. Trần Thị Huyền Nga, TS. Lê Anh Tuấn. PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng Khoa Môi trường được giao kiêm nhiệm phụ trách  Bộ môn. Bộ môn được Khoa giao quản lý và sử dụng 02 phòng (813 và 815T5) làm phòng làm việc phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2. Đội ngũ cán bộ

Cán bộ Bộ môn

  • PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, Giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn
  • TS. Trần Thị Huyền Nga, Giảng viên chính, Phó trưởng Bộ môn
  • PGS.TS. Trần Văn Quy, Giảng viên cao cấp
  • PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm Đoàn, Giảng viên cao cấp
  • TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Giảng viên
  • TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên
  • ThS. Nguyễn Ngọc Duy, Kỹ thuật viên

Cán bộ kiêm nhiệm

  • GS.TS. Nguyễn Thị Hiền
  • GS.TS. Phạm Hùng Việt
  • PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo
  • PGS.TS. Lê Đức Mạnh
  • PGS.TS. Hà Văn Thuyết
  • TS. Phan Thị Lan Anh
  • TS. Lưu Quỳnh Hương
  • TS. Vũ Phương Lan
  • TS. Nguyễn Hữu Nghị

3. Chức năng và nhiệm vụ bộ môn

Bộ môn Khoa học và Công nghệ thực phẩm là đơn vị chuyên môn thuộc Khoa Môi trường, hoạt động theo quy định hiện hành của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, về chức năng, nhiệm vụ của Bộ môn trực thuộc Khoa trong các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Về đào tạo:

– Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy các học phần do Bộ môn phụ trách, đặc biệt các học phần thuộc khối kiến thực ngành, chuyên ngành của chương trình đào tạo Khoa học và Công nghệ thực phẩm.

– Biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy và ngân hàng câu hỏi, đề thi các học phần do bộ môn phụ trách.

– Lên kế hoạch tổ chức dự giờ, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn ở Bộ môn, thực hiện tốt việc kiểm tra, thi đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.

– Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và các hoạt động chuyên môn khác.

– Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ của bộ môn, tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuộc ngành/chuyên ngành.

– Tìm kiếm, kết nối các hợp tác về đào tạo trong và ngoài nước về lĩnh vực Khoa học và Công nghệ thực phẩm.

* Về nghiên cứu khoa học:

– Triển khai nghiên cứu khoa học, chuyển giao quy trình công nghệ và cung ứng các dịch vụ khoa học theo kế hoạch của Trường và Khoa giao; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, các tổ chức khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất và đời sống xã hội.

– Quản lý, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm cơ sở vật chất, thiết bị, tài sản được giao cho bộ môn quản lý.

– Tư vấn và phản biện các chương trình, dự án trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ thực phẩm theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Khoa và Trường.

– Tổ chức, tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề tài khoa học và công nghệ; phối hợp thực hiện các dự án hợp tác quốc tế; tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ về khoa học và công nghệ, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về Khoa học và Công nghệ thực phẩm theo sự phân công của Khoa và Trường.

– Xuất bản kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ thực phẩm trên các tạp chí quốc gia và quốc tế có uy tín cũng như dưới dạng sách chuyên khảo phục vụ nghiên cứu và ứng dụng kiến thức của ngành.

4. Hướng nghiên cứu ưu tiên:

– Công nghệ chế biến thực phẩm;

– Công nghệ bảo quản thực phẩm;

– Kiểm nghiệm, kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm;

– Dinh dưỡng thực phẩm;

– Văn hóa ẩm thực và dịch vụ lữ hành;

Quan tâm nhiều nhất

Mạng xã hội