1. Giới thiệu chung
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Môi trường, Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN là đơn vị sự nghiệp giáo dục phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong Nhà trường (ĐHKHTN) và các hoạt động dịch vụ khác theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân (sau đây được viết tắt là LER). Cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm được đặt tại địa chỉ #101, #102 nhà T2, 334 Nguyễn Trãi (sau đây được viết tắt là PTN).
LER được thành lập theo Quyết định số 622/QĐ-TCCB, của Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN ban hành ngày 10/03/2010. LER là đơn vị cấp 3, trực thuộc Khoa Môi trường.
LER được xây dựng qui mô và hiện đại, có đội ngũ cán bộ là giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên được đào tạo trong và ngoài nước, làm việc chuyên nghiệp, trang thiết bị thí nghiệm hiện đại.
- Phòng thí nghiệm được hình thành từ năm 1997, sau khi có quyết định thành lập Khoa Môi trường, do GS.TSKH. Trần Kông Tấu phụ trách;
- Năm 2005, Chủ nhiệm Khoa Môi trường ký quyết định thành lập Phòng thí nghiệm Phân tích Môi trường, do PGS.TSKH. Nguyễn Xuân Hải phụ trách;
- Năm 2010, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ký quyết định số 622/QĐ-TCCB, ngày 10/3/2010, về việc thành lập đơn vị mới. Theo đó, Phòng thí nghiệm Phân tích Môi trường là đơn vị cấp 3, trực thuộc Khoa Môi trường;
- Từ 2010- 2014, Phòng thí nghiệm Phân tích Môi trường do PGS.TS. Trần Văn Quy phụ trách;
- Từ 2014-2017, Phòng thí nghiệm Phân tích Môi trường do Phó chủ nhiệm Khoa Môi trường, PGS.TS. Lê Văn Thiện kiêm nhiệm phụ trách;
- Từ 2017-20222 đến nay do TS. Nguyễn Hữu Huấn phụ trách.
- Từ ngày 26/12/2017, Phòng thí nghiệm Phân tích Môi trường được đổi tên thành Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Môi trường (Laboratory for Environmental Research /LER) theo quyết định số 4513/QĐ-ĐHKHTN của Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN về việc đổi tên đơn vị;
- LER đã phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hoá Môi trường (CEMM) xây dựng PTN đạt chuẩn ISO 17025, số hiệu PTN: VILAS 864 và đáp ứng quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Nghị định 127/2014/NĐ-CP, số hiệu PTN: VIMCERTS 198.
2. Đội ngũ cán bộ
[1]. TS. Nguyễn Xuân Huân, Phó trưởng Khoa, Phụ trách PTN
[2]. GS.TS. Nguyễn Ngọc Minh, Giảng viên cao cấp
[3]. TS. Nguyễn Hữu Huấn, Giảng viên
[4]. TS. Nguyễn Thị Hạnh, Giảng viên
[5] TS. Đinh Mai Vân, Giảng viên
[6] CN. Đào Thị Hoan, Kỹ thuật viên
[7]. ThS. Huỳnh Thị Hoài Hương, Kỹ thuật viên
3. Chức năng và nhiệm vụ của Phòng thí nghiệm
Chức năng:
- Tham gia công tác đào tạo và NCKH cho cán bộ và sinh viên Khoa Môi trường;
- Thực hiện dịch vụ phân tích môi trường cho đề tài NCKH của các cán bộ trong và ngoài khoa Môi trường;
- Phối hợp với các bộ phận quản lý của Khoa Môi trường và Trường ĐHKHTN cấp phiếu phân tích chất lượng môi trường đất, nước, không khí khi phía gửi mẫu có yêu cầu;
- Tham gia hướng dẫn các bài thực tập, thực hành các môn học có liên quan.
Nhiệm vụ:
- Phục vụ các chuyên ngành đào tạo trong Khoa Môi trường, bao gồm: Lập kế hoạch dự trù vật tư, hoá chất, thiết bị và tổ chức pha chế hoá chất, lắp đặt thiết bị – dụng cụ thí nghiệm các môn học thực hành do cán bộ LER phụ trách, biên soạn giáo trình thí nghiệm, thực hành và các tài liệu liên quan;
- Phục vụ NCKH và dịch vụ khoa học: Phối hợp với các cán bộ trong Khoa thực hiện đề tài NCKH. Thực hiện các hợp đồng dịch vụ phân tích môi trường;
- Tạo điều kiện cho SV, HVCH, NCS thuộc Khoa Môi trường thực hiện NCKH và khoá luận, luận văn, luận án tốt nghiệp;
- Quản lý: Tổ chức xây dựng và quản lý hồ sơ, máy và thiết bị; xây dựng kế hoạch bảo trì, sửa chữa định kỳ hệ thống máy và thiết bị PTN;
- Thực hiện mục tiêu: Xây dựng LER đạt PTN chuẩn Quốc gia về phân tích môi trường. Đáp ứng khả năng giám định các kết quả phân tích, thí nghiệm, kiểm nghiệm có liên quan.
4. Hoạt động nghiên cứu khoa học
Các hướng nghiên cứu chính:
- Phân tích, đánh giá chất lượng môi trường;
- Vật liệu ứng dụng trong xử lý môi trường;
- Công nghệ sinh học ứng dụng trong xử lý môi trường.
Định hướng phát triển:
Định hướng đến 2025, sinh hoạt chuyên môn tại đơn vị nhằm phát huy được sức mạnh tập thể của CBVC trong PTN. Các lĩnh vực NCKH ưu tiên:
- Quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường;
- Nghiên cứu phát triển các vật liệu tiên tiến trong công nghệ xử lý môi trường và phát triển xanh;
- Nghiên cứu phát triển các vật liệu tiên tiến phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững
5. Hợp tác trong nước và quốc tế
Trong năm học 2018-2019, cán bộ PTN đã hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện nghiên cứu khoa học với tổng số đề tài tham gia là 15 đề tài các cấp, trong đó bao gồm:
- Các cán bộ tham gia 04 đề tài cấp Nhà nước trong đó có 01 đề tài nghị định thư, có 02 cán bộ tham gia với vị trí là thư ký khoa học.
- Các cán bộ là thành viên chính tham gia 11 đề tài cấp VNU và cấp Bộ, trong đó có 04 đề tài Nafosted, và có 02 đề tài có cán bộ tham gia với vị trí là thư ký khoa học.
Trong năm học 2018-2019, cán bộ PTN đã hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện nghiên cứu khoa học đã công bố 14 bài báo, 05 bài trình bày hội thảo, trong đó bao gồm:
- 14 công trình công bố là bài báo khoa học và 11 bài trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế. Trong đó có 08 bài trong danh mục ISI , 03 bài trong danh mục Scopus, 02 bài đăng tạp chí quốc tế, 01 bài trên tạp chí trong nước.
- Tác giả chính bài quốc tế uy tín: 02 (trong danh mục ISI/SCOPUS)
6. Thành tích trong công tác giảng dạy và nghiên cứu
Sinh viên đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tại LER tham gia Hội nghị Khoa học Sinh viên hàng năm, trong đó có nhiều nghiên cứu được giải thưởng cấp Khoa, và cấp Trường. Trong năm học 2018-2019, cán bộ PTN đã hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học: 10 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó có 01 được giải ba cấp Bộ GDĐT, 01 giải nhì, 02 giải ba cấp trường, và 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba, 01 giải khuyến khích cấp Khoa.
Các thành tích tiêu biểu (chỉ tính giải cấp Trường ĐHKHTN trở lên) của sinh viên thực hiện tại LER trong giai đoạn 2017-2019 bao gồm:
- Giải Ba giải thưởng sinh viên NCKH năm 2018
- Giải Nhì Hội nghị Khoa học Sinh viên, cấp Trường ĐHKTN năm 2019: Đánh giá khả năng xử lý kháng sinh Ciprofloxacin trong nước bằng than sinh học từ bã mía (Đang tham gia xét vòng chung khảo giải thưởng sinh viên NCKH cấp Bộ GDĐT năm 2019).
- Giải Ba Hội nghị Khoa học Sinh viên, cấp Trường ĐHKTN năm 2019: Nghiên cứu tổng hợp vật liệu xúc tác quang thế hệ mới g-C3N4 từ urê nhằm ứng dụng trong xử lý kháng sinh Tetracycline trong môi trường nước;
- Giải Nhất Hội nghị Khoa học Sinh viên, cấp Trường ĐHKTN năm 2018: Tổng hợp nanosilica từ vỏ trấu và định hướng ứng dụng trong ngâm ủ hạt giống;
- Giải Nhì Hội nghị Khoa học Sinh viên, cấp Trường ĐHKTN năm 2018: Nghiên cứu hấp phụ asen trong nước ngầm bằng vật liệu giá rẻ – hiệu năng cao;
- Giải Ba Hội nghị Khoa học Sinh viên, cấp Trường ĐHKTN năm 2017: Phân tích đặc tính vật liệu Fe0 nano sau khi xử lý nitrat và phốt phát.
Các sản phẩm tiêu biểu:
- Nano silica: Vật liệu nano Silica được tổng hợp từ vỏ trấu có thể ứng dụng trong ngâm ủ hạt giống và xử lý môi trường;
- Hạt xử lý nước ngầm nhiễm Fe, As: Vật liệu dạng viên đã được chế tạo và ứng dụng xử lý nước ngầm tại trường tiểu học Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội.
- Vật liệu xúc tác quang: Nghiên cứu chế tạo các vật liệu xúc tác quang xử lý nước thải hữu cơ.