Bộ môn Tài nguyên & Môi trường đất
(Field trip – K60&61 Soil science)
1. Giới thiệu chung
Bộ môn Tài nguyên và Môi trường đất (tiền thân là Bộ môn Thổ nhưỡng) được thành lập năm 1966 tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1995, Bộ môn cùng với một số cán bộ thuộc các chuyên ngành khác xây dựng nên Khoa Môi trường, trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với truyền thống lịch sử và đội ngũ nhân lực có chất lượng, Bộ môn hiện đang đảm nhận ngành Khoa học đất và tham gia đào tạo cho ngành Khoa học Môi trường và Công nghệ Môi trường ở cả bậc đại học và sau đại học. Đến nay, Bộ môn đã đào tạo được trên 30 tiến sỹ, hàng trăm thạc sỹ và cử nhân. Thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, lấy nghiên cứu để hỗ trợ giảng dạy. Để đạt chuẩn đầu ra về sản phẩm đào tạo “vừa hồng vừa chuyên” đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhận quốc tế, Bộ môn không ngừng hoàn thiện và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước.
Đội ngũ cán bộ
[1]. TS. Nguyễn Ngân Hà, Giảng viên
[2]. TS. Phạm Thị Hà Nhung, Giảng viên
[3]. TS. Phạm Văn Quang, Giảng viên
[4]. PGS.TS. Lê Văn Thiện, Giảng viên cao cấp
[5] PGS.TS. Trần Thị Tuyết Thu, Giảng viên cao cấp
[6]. ThS. Nguyễn Quốc Việt, Giảng viên chính
3. Chức năng và nhiệm vụ của Bộ môn
Bộ môn hướng đến mục tiêu đào tạo ra các sản phẩm là nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao nhằm cung cấp và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời hướng tới một xã hội phát triển nông nghiệp với trình độ kỹ thuật canh tác cao bền vững. Với phương châm gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, lấy nghiên cứu để hỗ trợ giảng dạy, sản phẩm đào tạo của Bộ môn đã được trang bị kiến thức, kỹ năng và năng lực trình độ chuyên môn trên cơ sở nền tảng kiến thức lý thuyết khoa học cơ bản chuyên sâu gắn với mở rộng ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học đất, môi trường đất và công nghệ kỹ thuật xử lý ô nhiễm đất. Do đó, sản phẩm đầu ra gồm các sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có năng lực chuyên môn công tác tại các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực chuyên môn môi trường đất và nước; nông lâm nghiệp; quy hoạch và sử dụng bền vững đất đai; quản lý đất ô nhiễm và thoái hóa.
Có thể khẳng định rằng sản phẩm đào tạo của bộ môn là một nguồn lực lao động khoa học chất lượng cao quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện nay trong phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững trong nước và xuất khẩu lao động sang các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, ISAREL,… Đặc biệt, sản phẩm đào tạo của Bộ môn sau khi tiếp tục du học ở các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới đã và đang được đánh giá tốt về năng lực chuyên môn nghiên cứu khoa học, kỹ năng, ngoại ngữ để giao lưu và hội nhập quốc tế.
4. Hoạt động nghiên cứu khoa học
Tính đến năm 2019, Bộ môn Tài nguyên và Môi trường đã xuất bản được hàng chục đầu sách chuyên khảo và giáo trình phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học; công bố hàng trăm nghiên cứu trên các tạp trí có uy tín trong nước và quốc tế; tham gia thực hiện và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu các cấp và tham gia các Hội đồng khoa học các cấp, ban ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và một số lĩnh vực có liên quan.
Các hướng nghiên cứu chính:
Đồng hành cùng chiến lược phát triển của Khoa và Nhà trường, Bộ môn Tài nguyên và Môi trường đất đã không ngừng phấn đấu, hoàn thiện hướng đến việc đảm bảo duy trì nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về lĩnh vực khoa học đất, nông nghiệp và môi trường đất, trong đó tập trung vào quản lý bảo vệ độ phì đất và dinh dưỡng cây trồng; quy hoạch và sử dụng bền vững đất đai; quan trắc, quản lý và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới trong xử lý đất ô nhiễm, cải tạo phục hồi đất thoái hóa;
Định hướng phát triển:
Định hướng phát triển của bộ môn trong tương lai tập trung vào các vấn đề gắn với nhu cầu cấp thiết của toàn xã hội hướng đề một nền nông nghiệp sản xuất sạch, an toàn và bền vững để đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, định hướng phát triển của bộ môn tập trung vào các nội dung chính bao gồm:
1) Quản lý bảo vệ và phục hồi đất thoái hóa
2) Quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường đất
3) Khoa học đất và nông nghiệp bền vững
5. Hợp tác trong nước và quốc tế
Bộ môn Tài nguyên và Môi trường đất đã và đang hợp tác với nhiều bộ, ngành và viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Thổ nhưỡng Nông hoá; Viện quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp; Đại học Nông nghiệp Hà Nội; Đại học Thuỷ lợi; Đại học Lâm nghiệp; Đại học Thái Nguyên… Trong số những đối tác này, một số đơn vị sẵn sàng tiếp nhận những sinh viên có năng lực đã được đào tạo ở Bộ môn.
Các đối tác quốc tế:
- Đại học Kyushu, Nhật Bản
- Viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản
- Viện khoa học đất Hannover, Trường Đại học Tổng hợp Leibniz Hannover, CHLB Đức.
- Đại học Martin Luther, Halle-Wittenberg, Halle (Saale), CHLB Đức.
- Đại học Queen – Belfast, UK.
- Đại học Birmingham, UK.
- Đại học Monash, Malaysia.
6. Thành tích thi đua, khen thưởng
Tiếp nối truyền thống lịch sử của hơn 50 năm xây dựng, không ngừng phấn đấu phát triển, Bộ môn đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động Hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhờ có nhiều thành tích đóng góp trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; liên tục trong nhiều năm học từ 2003 đến 2016 được Giám đốc ĐHQG Hà Nội trao tặng Bằng khen “đã có thành tích xuất sắc trong năm học”, giấy chứng nhận danh hiệu thi đua “Tập thể lao động xuất sắc” và đã nhận được nhiều giấy khen của Hiệu trưởng trường ĐHKHTN về những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nhà trường. Bên cạnh đó, Bộ môn cũng nhận được sự ghi nhận và Bằng khen, giấy khen tặng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Khoa học đất Việt Nam về thành tích: Điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường và cấp nước sạch năm 2008; Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2008.
Mỗi cá nhân trong tập thể Bộ môn đã và đang thực hiện cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội với vai trò là Nhà giáo, Nhà hoạt động Khoa học, Nhà hoạt động cộng đồng. Các thành tích mỗi cá nhân đạt được đã ghi lại dấu son và tiếng thơm quan trọng làm nên uy tín cho đơn vị đào tạo và đã được xã hội ghi nhận.